Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

"Ít người có dũng khí từ chức"

Theo ông Lê Văn Cuông, nhiều cán bộ, đảng viên không đủ dũng khí để từ chức
Theo ông Lê Văn Cuông, nhiều cán bộ, đảng viên không đủ dũng khí để từ chức
"Ở nước ngoài, người ta từ chức chức vụ này có thể sang làm các vị trí khác, lĩnh vực khác, nhưng ở Việt Nam đã từ chức hầu như “về vườn”, hết đường tiến thân." - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nói.
Do dư luận, cơ chế xã hội còn nặng nề, nhiều cán bộ, đảng viên không đủ dũng khí để từ chức; cần có quy chế giám sát đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông trao đổi với Tiền Phong.
Theo ông Cuông, Nghị quyết T.Ư 4 đã được triển khai đến cấp tỉnh, huyện và đang tiến hành đến cấp cơ sở, bước đầu tạo kết quả nhất định. Nhìn chung, nghị quyết xác định đúng và trúng các vấn đề, được triển khai với quyết tâm cao. Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu.

Ông Lê Văn Cuông. Ảnh: Nguyễn Huy
Theo ông, đâu là những hạn chế chưa thể khắc phục sau nghị quyết T.Ư 4?
Thực tế, việc kiểm điểm, tự phê bình nhiều nơi còn hình thức, không ít đối tượng kiểm điểm mang tính chất giải trình việc làm hơn là kiểm điểm.
Đóng góp của các thành viên trong công tác phê bình một số nơi thẳng thắn, nhưng nhiều đơn vị còn né tránh, bao che. Dư luận mong muốn trong tình hình hiện nay, quá trình triển khai kiểm điểm phải xác định được đối tượng, trách nhiệm người đứng đầu.
Đánh giá của Đảng nêu lên “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên sa sút lý tưởng, thoái hóa biến chất đạo đức, nhưng kết quả kiểm điểm lại không chỉ ra được hình hài, cụ thể đối tượng đó là ai, địa chỉ trách nhiệm này là gì, đặc biệt chưa có giải pháp xử lý... thì kết quả chỉ như đợt sinh hoạt chính trị mang tính cảnh báo, răn đe.
Vừa qua tại một số tỉnh, thành phố không ít cán bộ đảng viên đã “xin lỗi”, “tự nhận trách nhiệm” trước dân. Đây có phải là sự chuyển biến?
Đây là vấn đề mới, nó là dấu hiệu thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với những khuyết điểm, yếu kém tồn tại. Nhưng vấn đề là xin lỗi trong trường hợp, vấn đề nào, và chỉ dừng ở lời xin lỗi không thôi thì chưa đủ.
Nó có thể gây ra một phản ứng dây chuyền, “phong trào xin lỗi” chỉ để cho xong, cho qua vấn đề thì chưa đáp ứng được nguyện vọng nhân dân. Tùy theo mức độ tồn tại, hạn chế, chưa hoàn thành nhiệm vu, các cán bộ, đảng viên phải hướng đến văn hóa từ chức.
Theo ông, tại sao văn hóa từ chức ở nước ta chưa phổ biến?
Quan niệm chức quyền nước ta còn nặng nề. Ngoài quyền lực còn gắn liền với danh tiếng, lợi lộc. Nhờ chức vụ, họ có thêm các mối quan hệ, tình cảm, lương bổng.
Mất chức kéo theo mất quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng danh dự, uy tín của người đó. Mặt khác, mỗi trường hợp từ chức thường bị gắn với hình ảnh không tốt, nhận định chưa đúng về người đó.
Ở nước ngoài, người ta từ chức chức vụ này có thể sang làm các vị trí khác, lĩnh vực khác, nhưng ở Việt Nam đã từ chức hầu như “về vườn”, hết đường tiến thân. Do dư luận, cơ chế xã hội còn nặng nề như thế nên nhiều người không đủ dũng khí để từ chức.
Quốc hội thông qua nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm, đây sẽ là “đòn bẩy” cho văn hóa từ chức?
Đây có phải là “đòn bẩy”, “chiếc đũa thần” hay không còn tùy thuộc cách thức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào. Tuy nhiên, phải nói nghị quyết bước đầu tạo đột phá, làm cơ sở cho văn hóa từ chức, răn đe cán bộ về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Theo ông, trong tình hình hiện nay cần có giải pháp gì để xác định “địa chỉ trách nhiệm” người đứng đầu?
Cần phải có cơ chế để quản lý người đứng đầu bằng tiêu chí cụ thể, quy định qua quy chế giám sát.
Theo đó, hằng năm, người đứng đầu phải báo cáo trước cấp trên, cơ quan, và cả nơi mình cư trú về kết quả hoàn thành nhiệm vụ, những điều đảng viên không được làm, các khoản thu nhập... Tất cả đều phải công khai, minh bạch.
Thay vì mở rộng ra cấp lãnh đạo, trước mắt, tập trung lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá thăm dò những người đứng đầu đơn vị, cấp phó có thể chưa đánh giá. Không chỉ lấy phiếu ở cơ quan, mà còn đưa ra cả khu dân cư, nơi cán bộ cư trú, nhất là những cán bộ hưu trí để có nhận xét, đánh giá công tâm, khách quan.
Cảm ơn ông.
“Tôi chịu khá nhiều áp lực vì thẳng thắn chất vấn”
Ông đánh giá thế nào về các chất vấn của ĐBQH trong các phiên họp Quốc hội vừa qua?
Ông Lê Văn Cuông: Dù không còn dự họp Quốc hội, nhưng qua theo dõi, tôi thấy các câu hỏi chất vấn của ĐBQH vừa qua có chất lượng, đi thẳng các vấn đề trọng tâm, bức xúc dư luận.
Tuy nhiên, tỷ lệ câu hỏi đạt yêu cầu chỉ đạt 30%, còn lại nhiều câu vụn vặt, hỏi mang tính để biết thông tin chứ không phải chất vấn.
Cách trả lời của bộ trưởng nhìn chung không đáp ứng được nhu cầu của đại biểu, cử tri, còn loanh quanh né tránh, không đi thẳng vấn đề. Đây là vấn đề vốn tồn tại từ trước đến nay trong các phiên chất vấn. Do nhiều nguyên nhân, người trả lời không nắm bắt vấn đề, né trách nhiệm...
Thắng thắn trong các câu hỏi chất vấn, ông có bị áp lực?
Khá nhiều. Bị áp lực từ tỉnh, rồi những đối tượng bị mình nêu. Tỉnh sợ mình nói gay gắt thì T.Ư mất thiện cảm với địa phương. Nhưng tôi tin các cấp lãnh đạo T.Ư không vì những phát biểu này mà này nọ với địa phương. Chỉ với cá nhân tôi thì có.
Năm 2009, khi chất vấn về việc còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, như việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần 7 lượt không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giải quyết vụ công trình Sông Lô.
Ngay sau đó, ông chủ tịch này gọi điện trách móc, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang gửi văn bản 4 trang yêu cầu tôi đưa chứng cứ. Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc và tiếp tục làm rõ vấn đề. Trắng đen là thế nhưng không phải ai cũng dễ thừa nhận. Tôi chỉ tâm niệm, đã là ĐBQH thì phải làm đúng vai trò của mình.
Theo Nguyễn Huy (Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét