Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Hà Nội đánh "quái vật" B52 như thế nào?


Quân và dân Thủ đô anh dũng chiến đấu suốt 12 ngày đêm tháng 12/1972
Quân và dân Thủ đô anh dũng chiến đấu suốt 12 ngày đêm tháng 12/1972
40 năm đã qua đi nhưng ký ức về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” vẫn còn nguyên vẹn và nóng hổi trong trái tim những nhân chứng - những anh hùng của 12 ngày đêm ấy.

Sáng nay, 10/12, buổi tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (12/1972 - 12/2012) diễn ra với sự góp mặt của những anh hùng một thời làm nên sự kiện hào hùng ấy.
Dự báo của Bác và thất bại của Mỹ
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại, 3 đời tổng thống Mỹ bị đổ, những chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Chiến tranh cục bộ và Chiến tranh đặc biệt đều đã bị phá sản.
Và con át chủ bài là B52 đã được Mỹ dùng đánh Hà Nội hòng ngăn chặn sự chi viện của ta cho miền Nam và uy hiếp nhân dân ta. Đế quốc Mỹ buộc phải đánh Hà Nội vì đây là trung tâm chính trị, kinh tế, đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không – Không quân, kể: Trước đó, Bác Hồ đã có những dự kiến rất sớm để đánh thắng B52. Năm 1965, khi Mỹ đem quân thả xuống Bến Cát, tây bắc Sài Gòn, Bác đã nói trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Sau 19 ngày Mỹ đem thả bom ở đèo Mục Giạ, tây bắc Quảng Bình, Bác lại nói: Dù Mỹ có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. Bác cũng nói Mỹ trước sau cũng sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội.

Tên lửa SAM 2 của ta luôn sẵn sàng chiến đấu (Ảnh tư liệu)
Để có cơ sở chuẩn bị, trước đó Quân chủng Phòng không – Không quân đã đưa trung đoàn tên lửa 238, 226 vào Vĩnh Linh, đã bắn được B52, từ đó rút kinh nghiệm, biên soạn sách cẩm nang đánh B52. Phương án tác chiến từ năm 1968 rồi cuối tháng 11/1972, phương án cuối cùng đánh B52 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.
"Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động. Đêm 18/12, lúc 19h15 phút, chúng tôi được tin B52 cất cánh từ Guam, toàn thể quân chủng và nhân dân sẵn sàng. 20h13 phút, tiểu đoàn 59 tên lửa thuộc trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên, rơi ở cánh đồng Chuôm, Phủ Lỗ, Kim Anh (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Tiểu đoàn 77 thuộc trung đoàn 257 bắn rơi B52 tại chỗ. Đêm 18/12, toàn quân chủng và nhân dân đánh thắng B52 trận đầu, lập nên Điện Biên Phủ trên không", tướng Mậu cho biết.
Phải cất cánh bằng mọi giá
Cẩm nang đánh B52 đã được bộ đội bên tên lửa rút ra những bài học, viết thành sách thì đối với bộ đội không quân lại có phần khó khăn hơn.
Kể về sự nguy hiểm của "quái vật" B52, Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ, cho biết: B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2.
Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩm, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu ra đa, gây nhiễu mục tiêu, ngoài ra, còn có tên lửa mồi, nếu chúng ta bắn tên lửa thì thả tên lửa mồi, đằng sau, lại được trang bị súng phía đuôi.
 - 2
Máy bay B52 đánh phá Hà Nội
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với bộ đội Không quân là khi đó, là các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề, làm cách nào để máy bay ta có thể cất cánh trong mọi tình huống mà không bị địch phát hiện, không hề đơn giản.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, chính thời điểm như vậy mới thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. “Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, và khi máy bay đeo thêm phải cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường”, tướng Phạm Tuân kể.
Làm thế nào để phi công của ta bằng cách nào để có thể tiếp cận được với B.52? Theo Trung tướng Phạm Tuân, trong 12 ngày đêm, bầu trời Hà Nội, mỗi đêm có tới 200-300 máy bay địch đánh phá. “Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Ví dụ, địch đánh vào sân bay, mình chậm đi một chút, trên đường máy bay yểm trợ đuổi mình chậm thêm chút… Nếu chậm một phút, máy bay B52 có vận tốc 900 km/h thì đã bay được 15 km, thế làm sao mà mình đuổi được!”, Anh hùng Phạm Tuân nói.
 - 3
Chiếc máy bay Mig 21 do Anh hùng Phạm Tuân điều khiển đã bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ năm 1972. (Ảnh tư liệu)
Để khắc phục, một lần nữa đòi hỏi sự sáng tạo của bộ đội. Trước đó, “anh cả” Liên Xô sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay thế nào nhưng khi đối diện với thực tế bị nhiễu, phi công ta rất khó biết chính xác B52 nằm ở chỗ nào.
“Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào. Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả.
Vượt qua phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay cất cánh, dẫn đường, để có được điều kiện tốt nhất. Lúc đó, mệnh lệnh là không đánh F4 (một loại máy bay tiêm kích, được sử dụng để bảo vệ B52), chúng ta vượt qua nó, dành tên lửa để đánh B52. Hiệp đồng với binh chủng tên lửa như thế nào, khi tên lửa bắn F4 chúng tôi tranh thủ để vượt qua. Rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B52 như thế nào. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B52. Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được”, người phi công anh hùng kể.
Tuyết Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét