LTS: Chúng tôi có dịp gặp lại những cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đội tàu ngầm 182 của Hải quân Việt Nam 30 năm về trước. Đó là những người đầu tiên của nước nhà được tiếp xúc với loại khí tài quân sự tối tân này. Ông Lưu Phương Bình (sĩ quan, ngành trưởng ngành ra đa dưới tàu ngầm), ông Vu Hồng Hảo (đội trưởng đội nghe âm thanh dưới nước) và ông Phạm Hồng Sâm (ngành điện máy tàu ngầm). Để khám phá thế giới bí hiểm của những con tàu ngầm trong lòng đại dương, cùng câu chuyện về những người lính thuộc Hải đội tàu ngầm 182 của Việt Nam ngày đó, chúng tôi xin đăng tải loạt bài: ““Những câu chuyện về Hải đội tàu ngầm 182 Việt Nam”. |
Đã hơn 30 năm trôi qua, ông Phạm Hồng Sâm vẫn không quên được cái cảm giác rờn rợn, ngột ngạt, tanh nồng mà lạnh lẽo khi lần đầu đặt chân xuống khoang con tàu ngầm đen trùi trũi đỗ ở cảng biển Latvia (thuộc Liên Xô cũ).
Sau gần nửa năm sang đến Liên Xô học lý thuyết kỹ thuật lái tàu ngầm, người lính trẻ Phạm Hồng Sâm cùng khoảng năm chục cán bộ chiến sĩ thuộc Hải đội tàu ngầm 182 (Việt Nam) mới chính thức xuống con tàu thật.
Lính đi dưới biển vẫn thường gọi tàu ngầm là cỗ "quan tài sắt". Lúc tàu cập cảng Ri Ga (Latvia), nó chỉ nổi mỗi phần khoang chỉ huy trên cùng. Bước qua cầu tàu chui vào đây, ông và đồng đội chẳng còn biết có chuyện gì xảy ra phía ngoài kia.
30 năm: Ký ức của lính tàu ngầm
Chỉ đến gần đây, báo chí mới đề cập nhiều việc Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Project 636 lớp Kilo của Nga. Việt Nam cũng cử nhiều học viên sang Nga, Ấn Độ để học hỏi kỹ thuật tàu ngầm. Thế giới dưới lòng đại dương và ông chủ của biển cả - tàu ngầm vẫn là bí ẩn thăm thẳm đối với đa số người Việt Nam.
Có điều ít người biết, hơn 30 năm trước, Việt Nam đã có hải đội tàu ngầm phiên hiệu 182 được đào tạo rất bài bản mấy năm trời tại Liên Xô (cũ). Chuyện này ít được nhắc đến, bởi sau khi kết thúc khóa đào tạo, nhiều người trong hạm đội 182 chuyển đơn vị khác hoặc không còn phục vụ trong quân ngũ.
Ông Phạm Hồng Sâm (ngành điện máy dưới tàu ngầm) hiện đang làm công việc hành chính ở một khách sạn nhỏ tại Hà Nội. Ông Lưu Phương Bình (sĩ quan, ngành trưởng ngành ra đa) đã ra quân, chuyển sang làm kinh tế tư nhân…
Mấy chục năm trôi qua, ông Sâm và đồng đội tưởng như đã quên rằng mình từng đứng trong hàng ngũ của lính tàu ngầm, những người lính tàu ngầm đầu tiên trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Có lẽ điều tiếc nuối nhất với những người lính thủy này là họ chưa bao giờ được lái tàu ngầm ở chính vùng biển quê hương mình. Ký ức chìm nổi cùng con tàu đen trũi lại được khơi dậy khi báo chí gần đây đưa tin Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga.
Vậy là những người lính tàu ngầm Việt Nam của thế kỷ 21 may mắn hơn thế hệ của ông. Họ sẽ được lái tàu ngầm ngay tại đất nước mình. Điều mà ông Sâm, ông Bình hay ông Hảo học được mãi mãi chỉ là những kỷ niệm của những ngày tháng rèn luyện miệt mài, cùng những chuyến du hành dưới đáy biển Baltic xa xôi.
Trò chuyện với chúng tôi tại nơi làm việc là một căn phòng nhỏ, ông Phạm Hồng Sâm luôn giữ vẻ mặt trầm tư. Trong mỗi lời kể, ông Sâm, ông Bình hay ông Hảo luôn giữ thái độ thận trọng.
Ông Phạm Hồng Sâm vẫn không quên được cảm giác rờn rợn, ngột ngạt, tanh nồng mà lạnh lẽo khi lần đầu đặt chân xuống khoang con tàu ngầm đen trùi trũi đỗ ở cảng biển Latvia (thuộc Liên Xô cũ)
Cùng năm đó, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đoàn công tác đi các đơn vị tuyển chọn cán bộ, chiến sỹ để đưa sang Liên Xô huấn luyện về tàu ngầm. Đây cũng là thời điểm vừa kết thúc cuộc chiến tranh biên giới trên bộ năm 1979 và bắt đầu xuất hiện những rắc rối trên biển Đông.
Chàng tân binh Phạm Hồng Sâm mới chỉ biết loáng thoáng về việc tuyển lính tàu ngầm. Bỗng đâu, có lệnh cấp trên điều đi kiểm tra sức khỏe.
Cả vạn lính được lọc ra. Trong đó, dường như khả năng trúng tuyển cao là lính đặc công nước. Họ là những chiến sĩ cực kỳ thiện chiến, khả năng bơi lặn siêu đẳng và kỹ năng chiến đấu thuần thục. Vậy nhưng ông Sâm nhớ, cứ hơn một ngàn người mới tuyển chọn được một người. Hầu hết đều rất cao to, khỏe mạnh và phải trải qua sát hạch vô cùng khắt khe như tuyển phi công.
Những ngày đầu thành lập
Tháng 6/1982, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên mang tên "Đoàn 682", trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân.
Trải qua những cuộc tuyển chọn khắt khe, viên sĩ quan Lưu Phương Bình và Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm, Binh nhất Vũ Hồng Hảo cùng khoảng 100 người có mặt trong danh sách của hải đội tàu ngầm đầu tiên của lịch sử quân sự Việt Nam.
Ông Lưu Phương Bình là một sĩ quan, tốt nghiệp Đại học Quân sự năm 1979 rồi tham gia Hải quân Việt Nam.
Lính tàu ngầm có rất nhiều bộ phận, gồm 5 ngành: vũ khí dưới nước, hàng hải, ra đa, thông tin và điện máy tàu.
Đại úy Lưu Phương Bình khi đó chính là ngành trưởng, chỉ huy ngành ra đa. Binh nhất Vũ Hồng Hảo thuộc bộ phận của ông Bình. Còn Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm làm việc trong bộ phận điện máy.
Khác với ông Bình và ông Sâm vốn người Thủ đô, chàng binh nhất Vũ Hồng Hảo sống trong môi trường sông nước từ bé. Ông Vũ Hồng Hảo có một khả năng trời phú đó là đôi tai nghe rất thính. Sau này, sang Liên Xô học, ông đã đảm nhiệm một vị trí cực kỳ quan trọng của con tàu ngầm đi dưới đáy biển. Đó là bộ phận Akustrich – nghe âm thanh dưới nước.
Nhiều chuyên gia Liên Xô giảng dạy cho đội tàu ngầm Việt Nam ngày đó đánh giá rất cao khả năng nghe dưới nước của ông Hảo. Viên đội trưởng này có thể phân biệt được âm thanh các loại động cơ dưới nước xa hàng chục km.
Ngày đi tuyển lính tàu ngầm, ông Hảo vừa nhập ngũ được 3 tháng vào đơn vị đặc công nước đóng ở Quảng Ninh, quê hương ông. Ông Hảo và Sâm lúc đó đều là những thanh niên mới lớn, sĩ quan Lưu Phương Bình đối với họ là một người anh thực sự.
Ông Hảo nhớ mãi câu nói của ông Bình – người anh của ông, ngày đầu Hải đội tàu ngầm tập trung: “Chúng mình sinh nhật khác ngày nhưng cùng ngày giỗ”. Ông Hảo hiểu điều đó. Đi dưới đáy đại dương hàng trăm mét nước, nếu tai họa giáng xuống, sẽ chẳng ai sống nổi.
Những người lính tàu ngầm ngày đó hiểu rằng, họ đang đảm nhận nhiệm vụ hết sức đặc biệt. Họ đã được chọn để trở thành những người lính đầu tiên của Việt Nam bước xuống con tàu ngầm chiến đấu dưới đáy biển – khí tài quân sự tối tân, hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ.
Dù muốn hay không, họ chẳng có lý do để thoái thác, để rút lui. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng đầy vinh dự. Họ không thể cho phép mình bước lệch nhịp với những người khác.
Họ đã có gần 2 năm trời rèn luyện thể lực cùng những kỹ năng chiến đấu, thích nghi mọi điều kiện trong môi trường nước.
_______________________
Mới các bạn đón đọc kỳ 2: Lính tàu ngầm khổ luyện vào 10h00 ngày 15/3
Cảnh Kiên (Khampha.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét